Tư liệu về cuộc đời Út Trà Ôn – Vua vọng cổ trên tạp chí năm 1957

0
23

Trong tạp chí năm 1957, biên khảo về cuộc đời của Út Trà Ôn – vua vọng cổ, là một bài viết sáng sủa về hành trình và thành tựu của nhân vật trong làng đờn ca tài tử này.

Út Trà Ôn được xem là một trong những nghệ sĩ tài danh nhất của sân khấu cải lương, từng ghi dấu ấn với vô số vở kinh điển của cải lương Việt Nma như Đời Cô Lựu, Ngao Sò Ốc Hến, Lưu Bình Dương Lễ, Thuyền Ra Cửa Biển…

Bằng giọng hát ấm và ngọt, nghệ sĩ Út Trà Ôn còn nổi tiếng với rất nhiều bài vọng cổ cho đến ngày nay vẫn còn đọng lại ít nhiều ký ức và tình cảm trong lòng người mộ điệu.


Click để nghe giọng ca Út Trà Ôn

Nghệ sĩ Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, quê quán ở Trà Ôn, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long), nên ông lấy nghệ danh là Út Trà Ôn.

Nghệ sĩ Út Trà Ôn và con gái

Là một nghệ sĩ nổi tiếng được đông đảo khán giả yêu thích, cuộc đời của Út Trà Ôn được nhiều người quan tâm, từ đó có nhiều giai thoại khác nhau về ông. Trong bài viết này, mời các bạn đọc lại một bài báo được xuất bản từ năm 1957 (cách đây hơn 60 năm) đăng trên tờ Kịch Ảnh, tóm lược một cách trung thực và chính xác về cuộc đời nghệ sĩ Út Trà Ôn.

Út Trà Ôn với giọng ca vàng

Tác giả Xuân Sinh

Tư liệu của Leminh Saigon

Tôi gặp anh, con người có giọng ca thiên phú làm mê mệt hầu hết khách mộ điệu giới ca cải lương. Hơi của anh vừa dài vừa quyến rũ, có sức truyền cảm mạnh mẽ. Với cử chỉ thật bình dị, chân thành, anh tiếp chúng tôi qua những câu tâm sự thật gọn, tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng sự thật của đời anh. Nhìn khuôn mặt, nhìn dáng hình anh, tôi nhận thấy rằng: Một nghệ sĩ nổi danh không phải chỉ cần yếu tố sắc đẹp. Trông anh không có vẻ nào hoạt động sân khấu vì anh lặng lẽ đến lì lợm, nét chân phương, mộc mạc thể hiện trong nụ cười.

Sự chua cay, bội bạc, tàn nhẫn của cuộc sống khiến anh thu hình lại, không muốn gặp ai, không mong giao tiếp cùng ai nữa. Anh muốn được sống yên ổn với gia đình đầm ấm, hòa mình trong ánh sáng hý trường. Anh chán ngán cuộc sống bên ngoài vì tình bạn, tình yêu giữa xã hội ngày nay chỉ xây dựng trên cơ sở lợi dụng và buôn bán. Người ta tìm tới anh chỉ để khai thác, khi thấy không thể khai thác được nữa, thì kéo nhau đi hết. Đã nhiều lần anh “bừng con mắt dậy thấy mình nằm không” nên anh muốn tránh xa hẳn cuộc sống bên ngoài. Chỉ có gia đình mới chính là noi gương tựa lý tưởng của con người trước bão tố liên hồi trên hè phố.

Qua giây phút, anh hồi tưởng lại thuở thiếu thời, sống bình thản trong khuôn mẫu gia đình nhưng tâm hồn sớm chớm nở tình yêu nghệ thuật, say mê sân khấu, thích sống tự do. Gia đình đối xử cùng anh khá khắt khe, luôn luôn rầy la vì tật ham mê sân khấu. Dù cơ cực anh vẫn cố công theo đuổi học hỏi. Thời gian gia anh am hiểu dần dần về sân khấu, kèm thêm năng khiếu thiên bẩm, anh quyết định lìa bỏ gia đình lên Sài Gòn nhờ người quen tiến dẫn để hát cho hãng dĩa Asia và ca cho đài phát thanh Saigon. Nhờ sự may mắn đó, anh bắt đầu nổi tiếng vì giọng ca mùi mẫn. Lần đầu tiên bước vào ngành ca hát để nhận thấy một điều chua xót rằng người đời đua nhau lợi dụng mình và tìm đủ mọi cách dìm tài năng.

Ý nghĩ bị lợi dụng, chèn chế ăn sâu vào đầu óc anh để cấu tạo nên ý tưởng giải nghệ. Ý tưởng đó cũng chỉ đến cùng anh trong một vài phút giây yếu mềm rồi tình yêu nghệ thuật lại bùng lên sôi nổi. trấn át tình cảm mềm yếu kia đi. Anh đành chịu đựng cảnh cơ cực suốt mấy năm trường và bắt đầu thực thụ lên sân khấu. Buổi đầu hoạt động, anh vào gánh Hề Lập, sau ba tháng thấy không có cơ tiến phát vì thiếu sự nâng đỡ, dìu dắt nên anh rời khỏi gánh Hề Lập, xin gia nhập gánh Thăng Long. Vào gánh Thăng Long đã tưởng cuộc đời thay đổi, nếp sống nghệ thuật sẽ chuyển hướng. Nhưng không, ác thay cuộc đời tiếp tục đi dần xuống dốc một cách thậm tệ, cay đắng ngay giữa thời anh ca sung sức nhất.

Sở dĩ không thể tiến bước nổi trên con đường nghệ thuật cũng chỉ vì không được thủ vai chính trong những vở có tiếng. Anh chỉ được đóng một thứ tuồng và chỉ một màn chót mà thôi. Chán nản quá, thêm một lần nữa anh định giải nghệ nhưng nghiệp dĩ hầu như buộc anh vào ánh đèn sân khấu, anh gặp Trúc Viên, một ký giả, chủ gánh hát Tiến Hóa. Ông khuyên can, tâm sự cùng anh rồi mời anh vào gánh. Đầu tiên anh còn do dự, nhưng sau buổi nói chuyện anh nhận thấy ông không giống như những người khác mà anh đã gặp, ông biết cách xử thế, biết dùng người, nâng đỡ và xây dựng cho bạn bè. Anh quyết định vào đoàn Tiến Hóa, cộng tác trong thời gian khá lâu, tăm tiếng trỗi lên theo ngày tháng. Anh không thể quên được chuỗi thời gian sống trong đoàn Tiến Hoa, hòa mình trong bầu không khí tươi vui, mọi người chỉ nghĩ đến việc dìu dắt, nâng đỡ nhau tiến bước trên đường dài nghệ thuật.

Thế rồi bất ngờ ông lại vắng mặt, giao cho bà vợ coi sóc đoàn. Một người đàn bà bước vào, không khí đổi thay ngay, anh thấy mất dần niềm hoan hỉ để đến một ngày buộc lòng xa gánh Tiến Hóa, lưu lại trong tâm khảm một dĩ vãng êm đềm. Nghỉ ít lâu, anh nhập đoàn Mộng Vân, hoạt động cầm chừng để không bao lâu rời khỏi đoàn Mộng Vân sang đoàn Sao Mai, sau đó lại trở về Mộng Vân một thời gian, nhập đoàn Thanh Minh một thời gian khá lâu rồi nghỉ.

Có lẽ vì cảm thấy sâu xa nổi đắng cay của người đi làm công nên anh cố gắng thành lập đoàn Kim Thanh, trình diễn ngót ba năm. Tưởng rằng có gánh hát riêng sẽ mang tới cho anh niềm an ủi, nhưng ngược lại anh thấy phiền toái, buồn rầu hơn nhiều. Anh nhận ra rằng chỉ làm công nhân sân khấu mới được an tâm, tránh khỏi tai tiếng ức hiếp, bóc lột. Vì vậy cho nên anh đã giải tán đoàn Kim Thanh để trở lại đời công nhân sân khấu. Giờ đây, sau nhiều ngày bão tố, sau biết bao sự ghen hờn đố kỵ, dằn vặt hành hạ của xã hội, anh đã đạt được địa vị ưu tú trong làng bia mão. Út Trà Ôn không mong gì hơn được sống yên ổn dưới mái gia đình để trau dồi nghệ thuật, trau dồi điệu ca vàng thiên phú, cống hiến người mộ điệu bốn phương.

Cuộc đời tình cảm của con người có giọng ca vàng kia hầu như bị thui chột quá nhiều. Anh ít để ý đến những người bạn gái đã qua đời anh, ngay cả lớp người hâm mộ giọng ca hấp dẫn. Anh hiếm cả bạn bè, đó phải chăng là số phận của lớp người tài hoa mà cuộc đời luôn bồng bềnh trôi nổi, dĩ vãng là cả bài thơ trác tuyệt, yêu vô cùng nhưng chẳng được bao nhiêu. Suốt chặng đường tăm rói nhiều hơn tươi sáng, Út Trà Ôn đã có ngày nay, sống trên tiền bạc, danh vọng. Không giống một số đông nghệ sĩ thất vọng về tương lai sân khấu cải lương, Út Trà Ôn tin tưởng chan hòa vào ngày mai vì hiện nay nếp sống tinh thần và vật chất của nghệ sĩ đang được cải thiện, căn bản diễn xuất đang được nâng cao để mỗi ngày một thêm hoàn bị.

Đọc bài viết này hy vọng bạn có thêm kiến thức và hiểu biết về lịch sử và văn hóa của Việt Nam xưa. Cảm ơn bạn đã quan tâm!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận