Vĩnh biệt nghệ sĩ Diệp Lang – Người nghệ sĩ cải lương trong lòng công chúng

0
58

Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Diệp Lang đã qua đời ở tuổi 82 vào khoảng 6h ngày 11/3, tại California, Mỹ.

Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sanh năm 1941 tại Sa Đéc. Năm lên 8, ông theo cha là thầy đờn Ba Diệp theo đoàn cải lương Tam Phụng. Không muốn con trai nối nghiệp đàn, chỉ đứng sau sân khấu, cha ông tìm thầy dạy hát cho ông. Sau đó, nghệ sĩ Diệp Lang được đóng những vai nhỏ, khởi đầu là đoàn Kim Thoa.

Trong sự kiện đoàn Kim Thoa bị ném lựu đạn khi diễn vở Lấp Sông Gianh tại rạp Nguyễn Văn Hảo, cha con ông may mắn thoát chết. Năm đó ông 12 tuổi tham gia vở diễn với một vai nhỏ.

Nghệ sĩ Diệp Lang thời trẻ, với vợ cũ là nghệ sĩ Phượng Liên

Sau này, khi cha nghệ sĩ Diệp Lang bệnh nặng, qua đời ở quê nhà, ông quay lại Sài Gòn, tiếp tục theo nghiệp cầm ca, theo đoàn Việt Hùng – Minh Chí, Phụng Hảo – Ba Vân… nhưng đều chỉ diễn các vai phụ. Diệp Lang được giao vai chính đầu tiên là vai hoàng tử trong vở Chiếc Nhẫn Kim Cương ở đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ. Lúc đó ông 17 tuổi, được ông bầu Phước (soạn giả Nguyễn Huỳnh) chọn thế vai sau khi kép chánh bỏ tuồng. Cũng chính bầu Phước đã đặt nghệ danh Diệp Lang, với ý nghĩa là con của ông Ba Diệp.

Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng và sau đó đã có nhiều vai diễn thành công như hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Lê Quý (Tâm sự Ngọc Hân), Trung sĩ Tám (Tìm lại cuộc đời), Lê Xuân Giác (Tiếng sóng Rạch Gầm), ông nội (Cây lẻ bạn), ông Hai (Đàn ca tri kỷ), ba của The/Hương (Nửa đời hương phấn). Đặc biệt là với vai kép lão vở Người Anh Khác Mẹ trên sân khấu Kim Chưởng năm 1962, ông đã vinh dự đoạt giải Thanh Tâm danh giá năm 1963, cùng năm với Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài.

Kể từ đó nghệ sĩ Diệp Lang nổi danh với những vai kép tính cách, kép độc, kép lão xuất sắc, khó ai thay thế. Ông ghi dấu ấn trong vở Tìm lại cuộc đời, hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm…

Năm 1965, ông nhập ngũ theo lệnh của Nha Quân dịch. Sau năm 1975, ông gia nhập đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II. Đoàn của ông lưu diễn khắp nơi, kể cả những vùng chiến sự như: Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479, sau đó trở thành trưởng đoàn hát 284 với chuyến lưu diễn ghi nhiều dấu ấn tại Pháp với vở Đời cô Lựu cùng các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tòng…

Vào thời tái thịnh hành của sân khấu cải lương thập niên 1990, Diệp Lang là gương mặt quen thuộc với khán giả, nhưng sang đến thập niên 2000 thì ông bắt đầu ít xuất hiện do bệnh tật.

Năm 2005, Diệp Lang trải qua nhiều cuộc phẫu thuật sinh tử tại bệnh viện tim Sài Gòn, từ đó sức khỏe của yếu và quyết định ngừng hát. Năm 2009, đến lượt vợ của ông vướng phải bệnh hiểm nghèo. Các con của ông quyết định đưa cha mẹ sang Mỹ định cư, tiếp tục điều trị.

Những năm cuối đời, sức khỏe của nghệ sĩ Diệp Lang không tốt, lúc nhớ, lúc quên. Ông bị bệnh tim, vôi hóa mạch máu, phải uống thuốc hàng ngày, chứng Parkinson khiến tay, chân run rẩy. Ông qua đời 6h sáng ngày 11/3/2023.

Chúng ta vô cùng may mắn khi có cơ hội được chứng kiến những tác phẩm tuyệt vời của nghệ sĩ Diệp Lang. Kỷ niệm về ông sẽ luôn sống mãi trong trái tim của người hâm mộ. Hãy tiếp tục theo dõi và ủng hộ những công trình nghệ thuật đầy ý nghĩa của ông!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận