Bộ phim “Như Hạt Mưa Sa” (1971) mang đậm giá trị văn hóa, đề cập đến tình yêu đầy đau thương, được thể hiện rất tinh tế qua diễn xuất tuyệt vời của Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang. Câu chuyện lôi cuốn, cùng hình ảnh đẹp mắt đã tạo nên ấn tượng sâu sắc với người xem, là một trong những tác phẩm nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam.
Phim nhựa Như Hạt Mưa Sa của đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện từ năm 1969, ra mắt khán giả Sài Gòn năm 1971, với sự góp mặt của những nghệ sĩ tài danh được yêu thích bậc nhất thời bấy giờ là Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, Bạch Tuyết, tài tử gạo cội Đoàn Châu Mậu và các nghẹ sĩ hề hước lừng danh là Tùng Lâm, Thanh Việt, Thanh Hoài… Thời điểm này cũng được xem là thời đỉnh cao nhan sắc của minh tinh Thẩm Thúy Hằng.
Trong phim Như Hạt Mưa Sa, minh tinh Thẩm Thúy Hằng đảm nhận cùng lúc hai vai diễn, đóng vai hai chị em sinh đôi với hai tính cách hoàn toàn trái ngược, cô chị (Ngọc Yến) thì dịu dàng và nữ tính , còn cô em (Thùy Hương) thì trẻ trung, hiện đại.
Click để xem phim Như Hạt Mưa Sa hơn 50 năm trước (1971). Các diễn viên: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Tùng Lâm…
Cuốn phim này do đạo do đạo diễn Bùi Sơn Duân đạo diễn, bỏ vốn để làm. Đó là thời điểm hàng loạt hãng phim được thành lập ở Sài Gòn vì chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh của chính phủ, trong đó Bùi Sơn Duân đã thành lập hãng phim Việt Ảnh, và phim đầu tiên của hãng này chính là Như Hạt Mưa Sa.
Theo nhà báo Lê Quang Thanh Tâm, để thực hiện bộ phim này, gia đình của đạo diễn Bùi Sơn Duân đã kêu gọi bạn bè hùn vốn, cầm cố nhà cửa, đất đai cho ngân hàng để lấy tiền làm phim.Riêng nữ nghệ sỹ Thẩm Thúy Hằng lúc đó giá thù lao rất cao – hơn 1 triệu đồng/phim, đã quyết định ủng hộ đoàn phim bằng cách “đóng trước – trả sau”, có nghĩa là nếu phim đạt doanh thu cao thì Thẩm Thúy Hằng mới lấy thù lao là 1 triệu đồng. Phim rất được khán giả ủng hộ và giúp cho nhà sản xuất có thêm nhiều tiền hơn để hãng Việt Ảnh làm thêm các phim khác, trong đó có phim này Như Giọt Sương Khuya năm 1972 (chuyển thể từ tác phẩm Đừng Gọi Anh Bằng Chú của nhà văn Nguyễn Đình Thiều)
Theo tác giả Lê Hồng Lâm, vào năm 1969, Trần Quang được Lê Hoàng Hoa mời đóng vai tay du đãng James Dean Hùng (Hùng đầu bò) trong cuốn phim về đề tài giang hồ Điệu Ru Nước Mắt. Cùng lúc đó, đạo diễn Bùi Sơn Duân mời Trần Quang đóng Như Hạt Mưa Sa cùng với hai nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng và Bạch Tuyết. Do thời gian rất cận nhau nên ban ngày Trần Quang đóng vai họa sĩ Thuyên trong phim Như Hạt Mưa Sa, ban đêm đóng vai James Dean Hùng trong Điệu Ru Nước Mắt.
Như Hạt Mưa Sa là cuốn phim tâm lý lãng mạn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Lúc đầu, Ngọc Linh muốn La Thoại Tân đóng vai họa sĩ Thuyên vì hợp với nhân dáng nhưng Bùi Sơn Duân một mực thuyết phục Ngọc Linh để Trần Quang đóng vì cho rằng nam tài tử mới này có tố chất của một diễn viên điện ảnh. Khi phim ra mắt và gây được tiếng vang, chính Ngọc Linh khen ngợi Bùi Sơn Duân có con mắt tinh đời. Đó là lý do đạo diễn Bùi Sơn Duân quyết định mời Trần Quang đóng tiếp phim Như Giọt Sương Khuya với Bạch Tuyết.
Về nội dung phim Như Hạt Mưa Sa, nhân vật nữ chính tên Yến (Thẩm Thúy Hằng đóng) có mối quan hệ phức tạp với một tay trùm buôn lậu tên Hạnh (Đoàn Châu Mậu đóng), cô cùng với người yêu tên Tín (thuộc hạ của Hạnh) đều từng ở trong nhóm tội phạm của Hạnh. Vì muốn chiếm đoạn Yến, ông Hạnh tìm cách thủ tiêu Tín. Vô tình biết được điều đó, Yến trốn thoát.
Trên đường bị lùng bắt, Yến tình cờ lạc vào xóm nhà của Thuyên (Trần Quang đóng) trong một đêm tối trời mưa tầm tã, và được chàng họa sĩ này thương tình cho tá túc một đêm để trú mưa. Ban đầu Yến còn ngại ngùng, nhưng sau đó quyết định vô nhà vì người đã ướt hết, cùng với việc sợ bị người của ông Hạnh tìm ra.
Ngay sáng sớm hôm sau Yến rời khỏi nhà, nhưng việc ở qua đêm này không qua khỏi sự tinh mắt của Dã Lan (Bạch Tuyết đóng), là người yêu của Thuyên. Dã Lan là cô đào sân khấu nổi tiếng, giàu có, được phong danh hiệu là “cải lương chi bảo” (giống Bạch Tuyết ngoài đời).
Có một sự trùng hợp: Dã Lan lại là bạn thân của Hương (cũng do Thẩm Thúy Hằng đóng), là em gái sinh đôi của Yến. Vì vậy sau khi gặp Yến, rồi lại gặp Hương, Thuyên đã nhầm lẫn giữa hai người.
Chuyện phim quay quanh mối quan hệ xung quanh giữa 3 cô gái trẻ Yến, Hương, Dã Lan, với chàng hòa sĩ nghèo tên Thuyên, trong đó Dã Lan rất hay ghen, nhiều lần chất vấn người yêu khi biết rằng sau đó Yến còn nhiều lần đến nhà Thuyên để tá túc (vì Yến không còn nơi để về). Quá mệt mỏi với những cơn ghen của Lan, Thuyên bắt đầu cảm thấy mối quan hệ này bắt đầu không thể hòa hợp được, cùng lúc với việc anh bắt đầu có cảm tình với Yến.
Trong một lần truy tìm theo dấu vết của Yến, ông Hạnh đến được nhà của Thuyên, tức giận với người đã chứa chấp Yến, Hạnh quyết định xuống tay với Thuyên, nhưng kịp dừng lại khi phát hiện ra Thuyên chính là người con trai đã thất lạc hơn 15 năm qua vì nhận ra cái bớt đen đặc biệt ở dưới cổ.
Sau khi bắt được Yến, ông Hạnh lại thả ra và đề nghị cô đi thăm dò thông tin của Thuyên để xác nhận chắc chắn đó là con trai của ông. Khi thấy Yến trở lại tìm, Thuyên đã bày tỏ tình cảm của mình và được nàng chấp nhận.
Sau đó, vì Dã Lan báo cảnh sảt về việc ông Hạnh, nên cô đào sân khấu này đã bị chúng bắt cóc. Lần theo dấu vết, cảnh sát đến tận hang ổ của Hạnh, lúc đó bọn tay chân bỏ chạy hết, chỉ còn lại một thủ hạ tân tín lái xe chở Hạnh chạy trốn, trong đó Dã Lan cũng bị bắt theo. Trong trốn chạy cảnh sát, tài xế bị bắn trúng, xe bị tông vào bên đường, ông Hạnh không qua khỏi, còn Dã Lan bị thương nặng.
Khi Thuyên được chị em Yến, Hương cho biết ông Hạnh chính là cha mình, anh liền đến nhà thương để gặp và vuốt mắt lần cuối cho ông. Cùng lúc đó, Dã Lan qua cơn nguy kịch và trong cơn mê sảng gọi tên Thuyên, nên anh vào chăm sóc Lan.
Cuối phim, Yến quyết định rời bỏ Thuyên và ra đi, vì nghĩ rằng nếu không có Thuyên thì Dã Lan sẽ không sống được. Cô cảm thấy có lỗi vì cho rằng Dã Lan bị trọng thương vì sự xuất hiện của cô. Ngoài ra, Yến cũng nghĩ rằng nếu còn nhìn thấy mình, Thuyên sẽ không khỏi đau buồn vì chuyện của người cha. Tuy nhiên sau đó, Thuyên lúc nào cũng trầm tư vì không thể quên được Yến dù tái hợp với Dã Lan. Anh đã vẽ một bức chân dung Yến và đưa cho Hương để nhờ chuyển. Kết thúc phim là hình ảnh Dã Lan thấy đau khổ khi biết rằng Thuyên chỉ thật sự yêu Yến mà thôi.
Những bài nhạc phim trong Như Hạt Mưa Sa do nhạc sĩ Y Vân sáng tác, đó là Như Hạt Mưa Sa và Ngày Mưa.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Như Hạt Mưa Sa
Đạo diễn phim là Bùi Sơn Duân sinh năm 1932 tại Phú Yên, trước 1975 ông ộng tác với Trung tâm Quốc Gia điện ảnh (trực thuộc bộ Thông Tin) thực hiện phim tài liệu sau đạo diễn phim truyện, và 1969 ông ra lập hãng phim riêng lấy Việt Ảnh đặt văn phòng góc Pasteur – Hiền Vương, Quận Ba. Sau 1975, Bùi Sơn Duân lấy tên mới là Lam Sơn, vẫn ở trong nước và thực hiện các phim iữa Hai Làn Nước, Bản Nhạc Người Tù, Đám Cưới Chạy Tang, Đường Dây Côn Đảo, Tiếng Đàn, Chiếc Vòng Bạc, Ông Hai Cũ, Con Gái Ông Thứ Trưởng, Biển Bờ, Chiều Sâu Tội Ác, Ba Biên Giới.
Năm 1977, ông và nhà quay phim Nguyễn Đông Hồng cùng với đoàn làm phim của Xưởng phim Tổng hợp Thành phố thực hiện phim Giữa Hai Làn Nước chỉ trong vòng vài tháng, phim được đánh giá cao.
Năm 1990, đạo diễn Bùi Sơn Duân xuất cảnh đi Mỹ. Năm 1993, ông nhận lời đạo diễn phim Gia Đình Cô Tư, một bộ phim hài với nghệ sĩ sân khấu điện ảnh Túy Hồng, và đây cũng là cuốn phim cuối cùng của ông.
Tại hải ngoại, Bùi Sơn Duân thành lập Hội Ðiện ảnh Việt Nam hải ngoại, tổ chức hằng năm các Ngày Điện Ảnh Việt Nam, ông từng tổ chức cuộc thi viết truyện phim với hy vọng khôi phục nền điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại, nhưng chưa làm được gì đáng kể thì ông đã vĩnh viễn ra đi vào năm 2001 tại Pomona.
Cuốn phim Như Hạt Mưa Sa được đạo diễn Bùi Sơn Duân lưu trữ và mang theo đến xứ người, sai đó vẫn được gia đình lưu giữ và từng được trung tâm băng nhạc Phương Dung tại Úc châu phát hành băng video.
Rất cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Bộ phim “Như Hạt Mưa Sa” (1971) thể hiện sự diễn xuất tuyệt vời của Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang, tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả yêu điện ảnh. Đây là một tác phẩm đáng xem với nội dung sâu sắc và cảm xúc lẫn lộn, đáng để đầu tư thời gian để hiểu rõ hơn về nền điện ảnh Việt Nam ngày xưa.