Huyền thoại về “Tiếng nói Dạ Lan” trên đài phát thanh trước 1975

0
26

“Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái hậu phương, gửi những anh trai tiền tuyến”. Đó là câu nói rất quen thuộc với nhiều người miền Nam trước 1975, đặc biệt là những người lính trận miền xa, vang lên trong chương trình Dạ Lan, phát hằng đêm từ 7 giờ tới 9 giờ tối, kể từ năm 1964.


Nghe podcast Tiếng nói Dạ Lan

Ðêm đêm, trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Quân Ðội, giọng nói của người em gái hậu phương có mãnh lực thu hút cảm tình của các binh sĩ đồn trú khắp bốn vùng chiến thuật. Danh từ “em gái hậu phương” và “anh trai tiền tuyến”, rất quen thuộc trong thời gian này, được nghe và dùng nhiều trong các bài thơ hay nhạc phẩm thịnh hành.

Chương trình Dạ Lan được giới quân nhân hoan nghênh, nhất là những người lính xa nhà, nơi các tiền đồn heo hút, gửi thư về cho Dạ Lan tới tấp, đến nỗi đài Quân Đội phải mướn bốn nữ nhân viên dân chính, công việc mỗi ngày chỉ là ngồi viết thư trả lời cho các anh chiến sĩ. Bốn cô đặc trách 4 Vùng Chiến Thuật, dưới mỗi lá thư đều ký tên Dạ Lan. Với một người lính xa nhà, ở một nơi tiền đồn heo hút, xa ánh đèn thành phố, không sách báo, mỗi đêm chỉ có một cái radio chạy pin để nghe giọng em gái Dạ Lan tỉ tê, tâm sự. Khi nhận được một lá thư hồi âm của em gái Dạ Lan từ KBC 3168, tác động tâm lý là vô cùng lớn.

Một số bưu thiếp chụp hình Dạ Lan, tức là cô Xuân Lan, cũng được Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành, để gởi tặng đến các chiến sĩ tiền đồn. Tuy vậy, nhân vật “em gái hậu phương Dạ Lan” chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay ngoài đời, mà chỉ duy nhất qua làn sóng điện, vì ngoài đời nhan sắc cô chỉ thuộc loại trung bình.

Em gái Dạ Lan cũng nhận được không ít thư từ tỏ tình của các “anh tiền tuyến”. Nhiều anh lính nghỉ phép về Sài Gòn có tìm đến đài phát thanh Quân Đội nhưng không bao giờ gặp được Dạ Lan lần nào.

Người khai sinh ra chương trình phát thanh Tiếng nói Dạ Lan trên đài phát thanh Quân đội là đại tá Trần Ngọc Huyến. Ông đã có sáng kiến thay đổi các lối mòn tuyên truyền của thời cũ, nhất là sau biến cố năm 1963, thời điểm cần ổn định lại tinh thần của các binh sĩ ngoài mặt trận.

Chương trình Dạ Lan, gồm các phần câu chuyện hằng ngày, tin tức, thời sự, điểm báo và phần văn nghệ. Ðặc biệt nhất, là phần trao đổi thư tín giữa Dạ Lan và các quân nhân, phần lớn là các quân nhân ở các tỉnh lẻ, nhất là ở các tiền đồn.

Trong giai đoạn mới thành lập của chương trình Dạ Lan, phần câu chuyện hằng ngày do Lưu Nghi phụ trách, điểm báo do Nguyễn Triệu Nam, phần nhạc do nhạc sĩ Ðan Thọ, Ngọc Bích thực hiện, lời dẫn do Huy Phương viết. Phần tin tức do ban tin tức của Ðài phụ trách, thư tín do cô Ngọc Xuân và một số nữ nhân viên khác chọn lựa thư tín, để sau đó Dạ Lan trả lời trên làn sóng phát thanh.

Có thể thấy, chương trình Dạ Lan cần một đội ngũ rất đông người cùng thực hiện, nhưng phần đông thính giả chỉ biết tới một người duy nhất, đó là xướng ngôn viên mang tên, Dạ Lan, hàng đêm đã thủ thỉ tâm tình bằng giọng nói thật êm dịu những lời lẽ mến thương. Cái tên Dạ Lan được đặt cho chương trình, là một loài hoa có hương thơm quyến rũ nở về đêm, tượng trưng cho giọng nói thiếu nữ đêm đêm chuyện trò qua làn sóng điện với các chiến sĩ ngoài tiền đồn mà có thể không cần đến nhan sắc.

Vậy Dạ Lan là ai?

Nhiều người tưởng rằng cô xướng ngôn viên có giọng nói ngọt ngào kia tên là Dạ Lan. Tuy nhiên, đó chỉ là tên của chương trình, tên của nhân vật đại diện cho một “người em gái hậu phương”. còn cô xướng ngôn viên tên thật là Hoàng Xuân Lan.

Không ai có thể ngờ rằng, cô Xuân Lan, người được gọi bằng tên Dạ Lan, nói giọng Bắc, lại là một người con gái Quảng Nam, có một thời gian sinh sống tại Huế.

Cô Xuân Lan từng là xướng ngôn viên của chương trình “Gươm Thiêng Ái Quốc”, một chương trình thuộc dạng tuyên truyền xám, phát thanh về bên kia vĩ tuyến, thiết lập tại Ðông Hà, tỉnh địa đầu Quảng Trị. Ðài này do Nhất Tuấn làm Quản Ðốc và Hà Huyền Chi làm phó. Cô Xuân Lan được nhận xét là không đẹp nhưng phát âm tiếng Bắc rất đúng giọng, mặc dù cô là người Quảng Nam. Được như vậy là nhờ có thi sĩ Hà Huyền Chi tập cho nói giọng Bắc, trong thời gian cùng ở Ðông Hà.

Người khai sinh và điều hành chương trình Dạ Lan trong thời gian đầu, là đại tá Trần Ngọc Huyến. Ngoài các buổi họp tham mưu ở Nha, ông đại tá đã mời những người trực tiếp phụ trách các tiết mục trong chương trình Dạ Lan, cùng nhau dùng những bữa cơm thân mật để có sự thoải mái giữa các đồng sự, có cả người lãnh đạo cao nhất lẫn những người nhân viên bình thường, cùng nhau thảo luận về công việc, tạo ra sự gần gũi không phân biệt cấp bậc. Trong nhà binh, rất hiếm có trường hợp một bữa ăn mà đại tá ngồi chung với thượng sĩ như vậy.

Vào khoảng năm 1966, đại tá Trần Ngọc Huyến giải ngũ, đồng thời xướng ngôn viên Xuân Lan cũng rời Ðài Phát Thanh Quân Ðội, lên Đà Lạt sinh sống và làm việc tại đài phát thanh Đà Lạt. Chương trình Dạ Lan bị gián đoạn, có nguy cơ bị hủy bỏ. Thư từ của lính gửi về đài phát thanh tràn ngập, yêu cầu nhà đài tiếp tục chương trình Dạ Lan.

Trước tình hình đó, quản đốc đài phát thanh đã cử người thay thế đóng vai Dạ Lan, là xướng ngôn viên Mỹ Linh, tên thật là Hồng Phương Lan, người Huế nhưng gốc Bắc, vẫn thường phụ trách các chương trình nhạc ngoại quốc buổi trưa của Ðài Quân Ðội. Một điều thú vị là cả Dạ Lan 1 lẫn Dạ Lan 2 đều có tên thật là Lan. Hồng Phương Lan đã đóng vai Dạ Lan từ năm 1966 cho tới tận năm 1975, sau này được gọi là Dạ Lan 2. Giọng nói của 2 cô giống hệt nhau nên nhiều người vẫn tưởng chỉ có một Dạ Lan.

Dạ Lan 2 kể lại như sau.

“Ban đầu, tôi định thử thay cô Xuân Lan một thời gian ngắn xem sao. Nhưng cấp trên thấy tôi có khả năng làm được, nên giao thêm cho tôi nhiệm vụ này luôn.

Tôi được nhận làm xướng ngôn viên cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội Ðệ Nhị Quân Khu, ở Huế, từ năm 1952. Ðến năm 1957, tôi mới chuyển vào Sài Gòn, làm việc cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, tại số 2 bis Hồng Thập Tự”.

Thời Chương trình Dạ Lan ra đời, quản đốc Ðài phát thanh Quân đội là Thiếu tá Phạm Văn Thuý, tức nhà văn Kỳ Văn Nguyên. Ông ở binh chủng truyền tin, nhưng sau khi tác phẩm mang tên “Tìm Về Sinh Lộ”, viết về cuộc di cư năm 1954 của ông ra đời, ông được cấp lãnh đạo chú ý và mời về làm Quản Ðốc Ðài.

Tiếp đó là Thiếu tá Phạm Hậu, tức nhà thơ Nhất Tuấn. Giai đoạn sau Thiếu tá Phạm Hậu là Thiếu tá Hà Sĩ Phong. Cuối cùng, từ năm 1969 cho đến khi tan hàng, Quản Ðốc Ðài là Trung tá Nguyễn Quang Tuyến, tức là nhà văn Văn Quang. Ðài Phát Thanh Quân Ðội ngày ấy liên tiếp qui tụ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, như Dương Ngọc Hoán, Anh Ngọc, Nhật Bằng, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Ðức, Văn Ðô, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Triệu Nam, Lưu Nghi, Nguyễn Ngọc Quan,Trần Trịnh, Ðào Duy, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Quốc Hùng, Dương Phục, Châu Trị, Lâm Tường Dũ, Nguyễn Xuân Thiệp,…

Người quản đốc cuối cùng của Đài phát thanh quân đội Sài Gòn là nhà văn Văn Quang, kể về chương trình Dạ Lan trong hồi ký như sau:

“Vào khoảng đầu thập niên 1960, Đại tá Trần Ngọc Huyến là người có sáng kiến làm ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội. Ngay sau khi ra mắt, chương trình này được hầu hết quân nhân yêu thích. Trước đó, ông đã họp Bộ Tham Mưu của Cục Tâm Lý Chiến, để thảo luận về chương trình này. Ông cũng nói, đây là một mô hình theo chương trình địch vận và đồng minh vận của Nhật Bản trong thế chiến, cũng như dựa theo chương trình binh vận của Đài Loan. Những nữ xướng ngôn viên của quân đội Nhật và Đài Loan đã rất thành công với giọng nói thánh thót, êm đềm và những bản nhạc quốc tế rất hay.

Hồi đó, trong cuộc họp tham mưu của Cục tâm lý chiến, thường mỗi tuần 1 lần, có các trưởng khối và trưởng phòng tham dự. Lúc đó, tôi còn là Trưởng phòng Báo Chí, nên thường xuyên tham dự các cuộc họp này. Tất cả đều nhận thấy chương trình đó rất hay, và sau đó giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam tìm xướng ngôn viên. Trong số một vài xướng ngôn viên được đưa ra thử giọng qua máy ghi âm, một nữ xướng ngôn viên của Đài Phát thanh Đông Hà được chọn, và được điều chuyển về Sài Gòn. Chương trình Dạ Lan từ đó bắt đầu.

Hai tiếng Dạ Lan, có thể hiểu đó là một loại hương thơm quyến rũ về đêm. Cũng có một sự trùng hợp, tên nữ xướng ngôn viên đó cũng là Lan, tên là Hoàng Thị Xuân Lan, nên có thể hiểu là một tên chung và cũng là tên riêng.

Nhưng hơn một năm sau, vì lý do riêng, nữ xướng ngôn viên Xuân Lan nghỉ việc. Đài Phát thanh Quân Đội chọn một nữ xướng ngôn viên khác, có giọng nói y hệt Xuân Lan, khiến thính giả không thể phân biệt được đâu là người mới đâu là người cũ. Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh.

Chị Mỹ Linh làm việc tại Đài phát thanh Quân Đội cho đến phút cuối của Sài Gòn năm 1975.”

Năm 1994, khi ca sĩ Hoàng Oanh thực hiện CD Thương Người Chiến Sĩ, với những ca khúc nhạc lính, trước mỗi bài hát đều có giọng đọc của Dạ Lan 2 năm xưa. Sau đây mời các bạn nghe lại CD này.


Click để nghe

Ngày 22 tháng 3 năm 2022, Dạ Lan 2, bà Hồng Phương Lan, đã qua đời tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.

Còn về phần Dạ Lan 1, cô Xuân Lan, sau khi rời Sài Gòn lên Đà Lạt năm 1966, 2 năm sau cô về lại Sài Gòn, tiếp tục làm trong đài phát thanh đến năm 1975, là một trong những người còn lại sau cùng của đài vào ngày 30 tháng Tư. Trước đó dù được mời đi di tản nhưng cô từ chối.

Những năm cuối đời, Dạ Lan 1 sống một mình, không thân nhân và nương nhờ trong cửa chùa.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận