Sơ lược về “Hoàng triều Cương thổ” với thủ phủ Đà Lạt cách đây 70 năm

0
5

Đà Lạt và vùng đất cao nguyên Lâm Viên dù chỉ mới được khai phá từ cuối thế kỷ 19, xây dựng từ đầu thế kỷ 20, muộn hơn nhiều so với các thành phố lớn khác của Việt Nam, nhưng đã nắm giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia, nhiều lần được quy hoạch để dự định trở thành thủ đô hành chính của miền Nam, hoặc là thủ phủ của cả Đông Dương. Đặc biệt, Đà Lạt từng có thời gian ngắn là thủ phủ “Hoàng triều Cương thổ” của cựu hoàng Bảo Đại.

Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt năm 1950, thời gian thuộc Hoàng triều Cương thổ

“Hoàng triều” là triều đại đang trị vì, “cương thổ” là vùng đất đai ở biên giới. “Hoàng triều Cương thổ” (tên tiếng Pháp là Domaine de la Couronne) là vùng đất đai ở biên giới, thuộc sự quản lý của triều đại đương thời.

Ngày 30 tháng 5 năm 1949, người Pháp trao quyền quản lý vùng Cao nguyên Trung phần với Xứ Thượng Nam Đông Dương cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Quốc trưởng Bảo Đại đã tách riêng phần Cao nguyên Trung bộ ra và lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ qua Dụ số 6 ngày 15 tháng 4 năm 1950.

Tại vùng này thì Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc trưởng ra vẫn giữ vai trò Hoàng đế.

Dụ số 6 năm 1950 cũng xác định Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều cương thổ và cao nguyên miền Nam. Mấy tháng sau, Bảo Đại bổ nhiệm đại tá Didelot làm đại diện cho quốc trưởng tại các tỉnh sơn cước Tây Nguyên, lúc đó có tên gọi là:

  1. Đồng Nai Thượng (nay là 1 phần của tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai)
  2. Lâm Viên (nay là 1 phần của tỉnh Lâm Đồng)
  3. Pleiku
  4. Darlac (nay là tỉnh Đắk Lắk)
  5. Kontum

Ngoài ra Dụ số 6 còn ấn định một khu vực khác ở Bắc phần gồm các tỉnh sau đây cũng thuộc Hoàng triều cương thổ.

  • Hòa Bình (Khu Tự trị Mường)
  • Phong Thổ (Khu tự trị Thái)
  • Lai Châu (Khu tự trị Thái)
  • Sơn La (Khu tự trị Thái)
  • Lào Kay (Khu Tự trị Mèo)
  • Hà Giang (Khu Tự trị Mèo)
  • Bắc Kạn (Khu Tự trị Thổ)
  • Cao Bằng (Khu Tự trị Thổ)
  • Lạng Sơn (Khu Tự trị Thổ)
  • Hải Ninh (Khu tự trị Nùng)
  • Móng Cái (Khu tự trị Nùng)

Tuy nhiên, khu vực phía bắc này không được thực hiện vì nằm ngoài tầm kiểm soát của Quốc gia Việt Nam, vì vậy lãnh thổ Hoàng triều Cương thổ thực chất chỉ là các tỉnh Tây Nguyên, ngày nay là các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, và 1 phần tỉnh Đồng Nai.

Sau khi Đà Lạt và các tỉnh nêu trên trở thành một phần của Hoàng Triều Cương Thổ, ai muốn đặt chân đến lãnh thổ này phải xin phép Nha công an Hoàng triều cương thổ thuộc Văn phòng Quốc trưởng ở Hà Nội và Sài Gòn.

Trước đó, vào thời Pháp thuộc thì ai muốn lên Đà Lạt phải có giấy khám sức khỏe, phải có bảo lãnh. Đến thời Hoàng triều cương thổ thì không cần giấy khám sức khỏe, nhưng bắt buộc phải có người ở Đà Lạt bảo lãnh và phải có công ăn việc làm mới cho nhập cư. Nếu người được bảo lãnh mà phạm pháp thì chính quyền bắt ngay người bảo lãnh.

Theo lời ông Nguyễn Hữu Tranh, nguyên cán bộ Sở Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng – người đã sống qua thời “Hoàng triều cương thổ” và có hơn 30 năm tổng hợp tư liệu và nghiên cứu về Đà Lạt, thì luật lệ ở Đà Lạt lúc đó có nhiều điểm riêng biệt và nghiêm khắc nên tệ nạn trộm cắp, cướp giật rất khó xảy ra. Ngoài đường cũng không thấy có người ăn xin, giang hồ đầu trộm đuôi cướp.

“Cờ bạc, rượu chè say xỉn công khai không xảy ra. Đường sá thì sạch sẽ. Chẳng hạn như chợ Đà Lạt (nay là khu Hòa Bình) thì khoảng 4 giờ chiều mọi người buôn bán đã xịt nước xung quanh rửa chợ sạch bong” – ông Tranh kể trên báo Tuổi Trẻ.

Ngoài ra, cư dân Đà Lạt lúc đó muốn xây nhà cũng phải tuân theo luật lệ nghiêm ngặt, không tự tiện chặt phá rừng, như lời kể của ông Tranh như sau:

“Nhà cửa phải lề lối nghiêm túc, mà muốn xây nhà khó lắm. Thông thường những năm đó chỉ có thầu khoán đứng ra xin phép, xây dựng nhà cửa rồi bán lại. Thời thuộc Pháp, nhà cửa phải theo mẫu kiến trúc.

Thời Hoàng triều cương thổ của quốc trưởng Bảo Đại, các thầu khoán xây nhà theo mẫu quy định, giống nhau trên từng con đường đã được xem xét.

Chẳng hạn đường Duy Tân (nay là 3-2) chỉ có nhà 3 tầng liền nhau, đường Phan Đình Phùng chỉ có 2 tầng, đường Võ Tánh (nay là Bùi Thị Xuân) hai bên là nhà gỗ.

Quốc Trưởng Bảo Đại trao gươm cho sinh viên Thủ khoa Dương Hiếu Nghĩa ở trường Võ bị Đà Lạt

Dọc theo đường Hai Bà Trưng là khu cư xá của các công sở ở Đà Lạt. Tất cả nhà dân thường làm một kiểu giống nhau, chỉ có một số con đường như Trần Hưng Đạo, Yersin, Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong bấy giờ… là mỗi nhà mỗi kiểu.

Nhà dân cũng phải làm theo mẫu của ban kiến thiết lập ra. Ngay cả làm hàng rào, màu sơn hàng rào cũng phải được chính quyền cho phép”.

Cụ ông Nguyễn Văn Kỳ từng là công chức làm việc cho quốc trưởng Bảo Đại trong việc đánh morse (truyền điện tín) kể lại rằng thời kỳ này, người Việt từ miền xuôi lên đây lập nghiệp rất khó khăn vì Hoàng triều cương thổ chú trọng đến việc phát triển đồng bào dân tộc và cư dân người Kinh hiện hữu.

Cũng như thời kỳ Pháp thuộc, ở Đà Lạt và các vùng trong Hoàng triều cương thổ khi đốn cây, xây dựng nhà đều phải được chính quyền cấp phép, không ai được tự tiện chặt phá rừng, kể cả cây hoa trồng ven đường.

Trung tâm Đà Lạt năm 1952, thời gian thuộc Hoàng triều Cương thổ

Ngày 21 tháng năm 1951, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành “Quy chế 16” với chín điều khoản đặt nền móng cho việc cai trị Xứ Thượng. Nội dung các điều khoản đó có thể tóm tắt như sau:

  • Quyền lợi tối cao của Quốc gia Việt Nam được bảo đảm cùng với quyền lợi của các sắc tộc thiểu số
  • Cao nguyên trực thuộc Quốc trưởng
  • Người Thượng cần tham gia vào việc phát triển Cao nguyên
  • Tôn trọng hệ thống bộ lạc và chức sắc kế truyền của người Thượng
  • Thành lập Hội đồng Kinh tế
  • Thành lập Tòa án Phong tục Thượng
  • Bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng
  • Phát triển cơ cấu dịch vụ xã hội ở Cao nguyên như y tế, giáo dục
  • Thành lập đơn vị riêng quân sự riêng biệt cho người Thượng với ưu tiên phục vụ ở Cao nguyên

Quy chế Hoàng triều Cương thổ sau khi ban hành bị chỉ trích vì đã nhượng bộ quyền lợi cho Pháp quá lớn nhất là việc thành lập Hội đồng Kinh tế phần lớn do các chủ đồn điền người Pháp thao túng. Chính sách hạn chế di dân người Kinh lên Cao nguyên vẫn duy trì và người Pháp còn nắm quyền hành chánh như trong thỏa thuận với Tổng thống Pháp Vincent Auriol. Trong số năm tỉnh thì ba tỉnh Kontum, Pleiku và Darlac vẫn do tỉnh trưởng người Pháp cai quản. Hơn nữa đại diện Quốc trưởng Bảo Đại ở Cao nguyên, tức vị Khâm mạng cũng lại là người Pháp, đại tá Pierre Didelot, chồng của Agnès Nguyễn Hữu Hào.

Ngày 10 tháng 8 năm 1954, quy chế Hoàng triều Cương thổ bị xóa bỏ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông qua Dụ số 21 ngày 11 tháng 3 năm 1955 và Quốc trưởng Bảo Đại chấp thuận, chính thức sáp nhập Hoàng triều Cương thổ lại vào Trung phần chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Quốc trưởng trên vùng Thượng và danh xưng Cao nguyên Trung phần được dùng lại.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận