Hoàn cảnh sáng tác “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

0
19

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống trỗi dậy hùng cường đi lên…


Click để nghe podcast về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và hoàn cảnh sáng tác Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Đó là lời nhạc trong bài hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, ra đời năm 1966, nhạc phẩm tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của phong trào Du ca Việt Nam. Những giai điệu của bài ca bất tử này, mỗi khi nghe lại đều khiến lòng người rạo rực một nguồn sống dâng lên khó tả.


Click để nghe Hợp ca bài hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Lúc sinh thời, tác giả bài hát là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã có lần kể lại câu chuyện ra đời của bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ như sau:

“…Bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ cũng vậy, tôi nghĩ nó không phải là một bài ca quá to tát, nhưng lúc bấy giờ, khi tôi kết thúc tập Trường Ca vào khoảng cuối năm 1965, đầu 1966, trong 10 bài trường ca, những bài như là Nỗi buồn nhược tiểu, Tiếng rống đàn bò, Lìa nhau, Thảm kịch khó nói, vân vân, những bài nói về đất nước của mình rất là khổ sở, tôi suy nghĩ là nên khép lại tập nhạc bằng một bài hát có tiếng gọi hùng tráng và tha thiết hơn. Thành ra tôi viết bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ một cách rất là dễ dàng.

Tất cả những ý đó, tôi đem vào hết trong bài hát để nó vượt qua cái khốn khó, vượt qua cái quê hương nhỏ bé, nhược tiểu, mà trở thành một nước to lớn, và lòng người cực kỳ dũng mãnh. Viết xong bài đó, tôi nghĩ là chỉ để kết thúc tập Trường Ca mà thôi. Nhưng không ngờ là về sau, càng ngày đi các nơi càng thấy nhiều người ưa thích bài đó, có lẽ nó đáp ứng được ước vọng của nhiều người. tôi nghĩ, việc thể hiện được tâm tư của nhiều người, không riêng gì giới trẻ đâu, cả người lớn tuổi ở các hội đoàn về sau này, rồi đi vào trong quân đội, đi rất nhiều nơi. Thành ra, tôi cho đó là một bài hát tự nó trưởng thành, vì ban đầu bài hát chỉ có mục đích là để kết cho tập Trường Ca lúc đó mà thôi.”

Tác giả Trần Trung Đạo nhận xét về ca khúc này như sau:

“Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên, sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến đầy gian khổ trước đây, tôi tin, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sẽ là một trong những bài ca được xếp hàng đầu.

Trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, Việt Nam quê hương ngạo nghễ nổi bật lên như một biểu tượng cho khát vọng của một dân tộc đã vượt qua bao nhiêu gian nan khốn khó để tồn tại, và vươn lên cùng các dân tộc khác trên mặt đất nầy.

Lời nhạc của Việt Nam quê hương ngạo nghễ tương đối khó nhớ, nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, mạnh mẽ, tượng thanh, tượng hình như, “tiếng cười ngạo nghễ”, “xích kêu loảng xoảng”, “trên bàn chông hát cười đùa vang vang”, hay “Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi”, đã làm cho Việt Nam quê hương ngạo nghễ trở thành độc đáo, không giống như những bài ca yêu nước khác với những ý tưởng quen thuộc và lời ca phần lớn là lặp lại nhau.

Ca khúc Việt Nam quê hương ngạo nghễ đẹp tự nhiên như một đoá lan rừng, không mang màu sắc chính trị, không nhằm cổ võ hay biện minh cho một chủ nghĩa nào, không cơ quan chính quyền nào chỉ đạo thanh niên sinh viên học sinh phải hát và bài hát cũng chẳng nhằm phục vụ lợi ích riêng của chính quyền, tôn giáo hay đảng phái chính trị nào. Trước 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học tỉnh lẻ đến đại học lớn, như Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng đạo, Du ca, đến các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử, từ các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang, đến các tổ chức, đoàn thể xã hội từ thiện, đều hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944 tại Sơn Tây, cùng gia đình vào miền Nam năm 1954 và sinh sống tại Đà Lạt từ năm 1958. Về sau, ông theo học Viện Đại học Đà Lạt và tốt nghiệp phân khoa Chính Trị Kinh Doanh Khóa I.

Thuở thiếu niên, từ năm 12 tuổi, ông tham gia Hướng-đạo, một phong trào trợ giúp giới trẻ trong việc phát triển tâm linh, tâm trí và sức khỏe để đóng những vai trò xây dựng trong xã hội. Sáng tác đầu tiên của ông vào năm 1961, ca khúc “Gươm Thiêng Hào Kiệt”, được dành cho phong trào này, là khởi điểm cho những sáng tác thể hiện trách nhiệm của giới trẻ với nội tình đất nước.

Từ những năm 1963-64, Nguyễn Đức Quang bắt đầu sáng tác các ca khúc chủ đề thái độ của tuổi trẻ với quê hương và dân tộc, và cho ra đời tập ca khúc đầu tiên mang tựa đề “Trầm Ca” (những bài ca để suy nghĩ, trầm tưởng) với các tác phẩm để lại dấu ấn như “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”, “Tiếng Hát Tự Do” và đặc biệt là “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”. Đó là những bài hát cho thanh niên và thời cuộc khi ấy, phản ánh tâm trạng thao thức và muốn nhập cuộc.

Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Du-ca Việt Nam vào năm 1966, mà Nguyễn Đức Quang là một thành viên sáng lập. Hồi tưởng lại, ông cho biết: Cuối năm 1965, sau khi đã sáng tác một số ca khúc, ông cùng một nhóm bạn học rất thân tại Đà Lạt cùng học hành, chơi đùa, ca hát và làm việc với nhau. Tuy nhiên, như ông nhớ lại: “Các bạn trong nhóm tôi không có ai sáng tác, chỉ có mình tôi làm nhạc, hát cho các bạn tôi nghe. Tôi không đi vào những con đường cũ của các nhạc sĩ đàn anh.

Hầu hết những người làm thơ, viết nhạc đầu đời là những bài thơ tình, nhạc tình, và sống mãi với dòng nhạc đó. Phần tôi, sau những ngày tập tễnh với nhạc tình trẻ con, tôi quay hẳn sang một hướng khác không có mấy người làm. Nhạc của tôi sau này người ta gọi là nhạc cộng đồng, nhạc sinh hoạt, hay là một loại nhạc nào đó, một thứ tình cảm khác, một thứ tình cảm không phải chỉ dành cho hai người đang yêu nhau, mà là một thứ tình cảm thiết tha nói lên cái liên hệ giữa vùng đất và con người.”

Vào thời điểm đó, giới nhạc sĩ – ngoài các vấn đề muôn thuở như tình yêu, thân phận con người – đã có nhiều sáng tác về thời cuộc, về vai trò và sự nhập cuộc của người dân với những biến cố lớn của đất nước. Đó là lúc Trịnh Công Sơn bắt đầu những ca khúc da vàng với xu hướng chính trị yếm thế, còn Phạm Duy thì cho ra đời nhiều ca khúc trong loạt 10 bài “Tâm Ca” để kêu gọi đoàn kết và đồng lòng.

Đối với Nguyễn Đức Quang, “Tâm Ca” đã để lại ấn tượng rất lớn và là động cơ để ông theo đuổi con đường nhập cuộc, sáng tác phục vụ cộng đồng, xã hội và dân tộc từ khi mới 21 tuổi và đang theo học năm thứ nhất Viện Đại học Đà Lạt. Như ông kể lại, trong một cuộc gặp gỡ giữa Phạm Duy và nhóm các thanh niên tham gia công tác xã hội (dựng 200 căn nhà cho đồng bào Thượng, nạn nhân ᴄhιến cuộc), Phạm Duy đã hát liền 5 bài “Tâm Ca”, và Nguyễn Đức Quang cũng được mời trình diễn các bản “Trầm Ca”. Rốt cục, như ông nhớ lại:

“Tôi bị nhạc của Phạm Duy hớp hồn như thế nào, thì ông ngạc nhiên về những ca khúc của tôi như thế. Sau đó hai bên gặp gỡ, với Phạm Duy, ông cho tôi là một khám phá mới. Nó khác hẳn những dòng nhạc của những người đi trước và cùng thời với ông. Do đó Phạm Duy đề nghị mỗi tuần gặp nhau một lần để hát cho nhau nghe những sáng tác mới. Nếu không có sáng tác mới thì đàm đạo chuyện văn nghệ. Tôi đã trình bầy cho Phạm Duy nghe toàn bộ những ca khúc trong tập “Trầm Ca” đặt vấn đề thanh niên đối với vận mạng đất nước, đưa ra những suy nghĩ của tuổi trẻ.”

Những buổi gặp mặt “hát cho nhau nghe” ấy thúc đẩy nhóm “Trầm Ca” của Nguyễn Đức Quang tiếp tục các chuyến đi về địa phương và hoạt động xã hội. Ông kể lại: “Chúng tôi làm việc như điên cuồng, sáng tác, tập tành, đi trình diễn, đi huấn luyện. Chúng tôi không còn biết đến một điều gì khác ở cái tuổi 20 lúc đó. Tôi không hiểu nhóm tôi sống bằng cách gì. Hễ có nơi nào “ới một tiếng”, là chúng tôi khăn gói lên đường. Về phương tiện di chuyển thì nơi nào ới, nơi đó chịu trách nhiệm. Còn ăn uống thế nào cũng xong, ngủ nghê chỗ nào mà chả được”.

Nhóm Du ca Việt Nam đã ra đời như thế vào năm 1966, sau những chuyến đi bất tận phục vụ cộng đồng, quy tụ nhóm bạn từ ngày ở Đà Lạt, với Trưởng xưởng Du-ca do Nguyễn Đức Quang điều hành và quy tụ nhiều nhạc sĩ, các cây bút trẻ khác. Xuất phát từ lý tưởng phục vụ một xã hội sống tốt đẹp với một tâm thức mới, Du-ca đẩy mạnh các công tác phục vụ văn hóa, để xây dựng tâm hồn cho người tham dự. Hoạt động của

Du-ca, dưới lời kể của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn:

“Du-ca có nghĩa là đi đây, đi đó để hát. Các buổi trình diễn như thế thường diễn ra tại các sân trường đại học, các giảng đường, sân vận động, các trại hè hay một nơi nào đó có những sinh hoạt cộng đồng và đám đông tụ tập, vào thời ấy có thể là một trại tị nạn, mục đích chính chỉ là để “hát cho nhau nghe”, cho đỡ buồn, để thắp lại hy vọng… ᴄhιến tranh vừa xua đuổi vừa bao vây, người ta không còn biết chạy đi đâu cho thoát. Cũng không ai biết đến bao giờ nó mới chấm dứt. Phong trào du ca được hình thành trong những ngày khốn khổ đó”.

Hòa mình và hết sức với phong trào, Nguyễn Đức Quang đã để lại nhiều sáng tác lừng danh, như “Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương” (phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch) với tâm thức không chối bỏ đất nước trong cơn binh biến gian khổ:

Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương
Ta cùng lo chạy từng lưng cơm áo che thân tàn
Khi mùa mưa về cùng lem nhem bước trên ngõ trơn
Khi giặc lan tràn cùng lo âu trắng đôi mắt đen…

Nói về ma lực của Nguyễn Đức Quang qua các bản hùng ca mà ông cùng nhóm Du-ca trình diễn trong các chuyến đi, Nguyễn Đình Toàn nhận xét: “Loại nhạc để trình diễn trên sân khấu, trước những đám đông, ngoài âm điệu và lời ca thường còn phải có vài điều gì khác để cho ca sĩ biểu diễn, bằng động tác, bằng nét mặt, nếu không sẽ trở thành nhạt nhẽo đối với khán giả. Nguyễn Đức Quang có đủ các điều kiện để thành công trong “thế giới du ca” của ông: đàn ngọt, hát hay, có duyên, nắm vững nghệ thuật nói trước đám đông, trình diễn nồng nhiệt”.

Còn nhà báo Bùi Bảo Trúc thì lại nhìn thấy sự quyến rũ của ông qua hành động nhập cuộc: “Nguyễn Đức Quang không đứng ngoài để đi hành quân làm lính cậu. Không một lời thù hận bên này hay bên kia. Nguyễn Đức Quang là tiếng hét nhân bản, là lời réo gọi của nguyên một thế hệ sắp bị mất đi những giá trị của một xã hội đang bốc cháy. Nguyễn Đức Quang không phòng trà não ruột, không tình ái bi thảm, không chính trị một chiều, không thù hận đằng đằng. Nguyễn Đức Quang đến với người nghe và nhất là những người hát nhạc của ông bằng tất cả chân tình của một thanh niên Việt”.

Trong cảnh chinh ᴄhιến không có điểm dừng, khi không ít nhạc sĩ đương thời có cái nhìn bi quan, yếm thế, oán trách quá khứ, thời cuộc, thì Nguyễn Đức Quang đã đem lại góc nhìn trách nhiệm và khỏe khoắn, hướng người nghe về những bổn phận công dân trong tinh thần dân tộc, như trong bài “Về với mẹ cha”:

Từ Nam Quan, Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu

Người thanh niên Việt Nam
Quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng

Cùng đi xoay Hoành Sơn
Cùng đi lay Trường Sơn
Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm

Vượt khơi ra đảo xa,
Lướt ngàn nước sang nhà
Ta đắp bồi cho Mẹ Cha

Nhìn non sông tả tơi
Tình quê hương đầy vơi
Người thanh niên Việt Nam ngậm ngùi

Chờ chi không vùng lên
Thiết tha với dân lành
Cứ co ro ngồi sao đành

Nào anh em cùng nhau
Người trước lo người sau
Cùng đi cho quên hết tiếng nghẹn ngào

Ðường gân căng bàn tay
Mắt trong như sao trời
Nơi quê hương là sáng ngời

Cũng có lúc, Nguyễn Đức Quang đau xót và giận giữ trước cảnh lòng người ly tán, bất hòa: “Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau – Nghi ngờ nhau, khích bác nhau – Cho cay cho sâu, cho thật đau”, và khẳng định trong ca khúc “Không Phải Là Lúc”:

Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới

Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông
Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đầu
Thế giới ngày nay không còn ma quái
Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi
Chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi

Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê
Cứ bắt tay từ từ chúng ta giải quyết

Mình chậm chân theo sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viển vông
Thắc mắc ngại ngùng đến lúc nào mới làm xong

Như thế, không chỉ ngồi ngoài đặt vấn đề, Nguyễn Đức Quang còn trực tiếp xắn tay nhập cuộc cùng giới trẻ, kêu gọi tuổi trẻ đến với nhau cùng xây dựng một đất nước và niềm tin. Do đó, nhạc của ông có tâm cảm của một con người khao khát hòa bình, nhưng không thiên về bên nào, như theo lời ông, không làm chính trị cho dù mang ý thức chính trị cao. Cũng như vậy, Nguyễn Đức Quang tự hào vì tính độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ cá nhân hoặc phe nhóm nào của phong trào Du-ca, điều khiến nó có được tác động mạnh mẽ và sâu rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, Nguyễn Đức Quang không chỉ sáng tác thể loại nhạc hùng, kêu gọi xã hội. Ông còn làm những bản tình ca được nhiều người biết đến và tới nay vẫn nhớ, mà điển hình là “Cần Nhau”, “Vì Tôi Là Linh Mục” và nhất là “Bên Kia Sông” (phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch):

Này người yêu, người yêu tôi ơi
Bên kia sông là ánh mặt trời
Này người yêu, người yêu anh hỡi

Bên kia đồi cỏ hoa đan lối
Bên kia núi, núi cao chập chùng
Bên kia suối, suối reo lạnh lùng
Là bài thơ toàn chữ hư vô

Này người yêu anh ơi!
Cho anh nồng ấm cuộc đời
Hoa thơm có ánh mặt trời
Ôi núi mừng vì mây đến rồi!

Này người yêu, người yêu anh hỡi!
Yêu nhau mình đưa nhau tới
Bước nhẹ và nói bên môi
Nói cho vừa… mình anh nghe thôi!

Này người yêu, người yêu anh ơi!
Bên kia sông đường vẫn còn dài
Này người yêu, người yêu anh hợi!
Bên kia đồng cỏ non đan lối

Trong cơn gió, thoáng nghe nực cười
Trong khe núi, thánh thót lòng người
Lòng đòi tình vật vã không nguôi

Này người yêu anh ơi!
Ðêm đêm lòng vỗ tình dài
Dây xanh quấn quít vào đời
Cho trái tình nở trên tiếng cười

Này người yêu, người yêu anh hỡi!
Bên trong lòng nôi êm ái
Rắc nhẹ từng cánh sao rơi
Sẽ âm thầm mình em nghe thôi!

Yêu người, yêu đời để sống có trách nhiệm với đất nước, dân tộc là điểm chính yếu trong con người và sự nghiệp ca hát của Nguyễn Đức Quang, và được ông giữ trong suốt phần đời còn lại khi sống xa quê hương.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận